Tin tức-Quy trình giám sát thi công xây dựng cần lưu ý những điều nào?

     

Để đảm bảo chất lượng công trình hoặc có thể xử lý các tình huống không mong muốn xảy ra một cách kịp thời, nhà thầu thi công nào cũng phải có giám sát 24/24 có mặt tại công trường để theo dõi, phát hiện và thay nhà thầu/ chủ nhà giải quyết mọi việc. Để hoàn thành thật tốt công việc của mình, các giám sát của nhà thầu hay chủ đầu tư đều phải nắm quy trình giám sát thi công xây dựng. Đây cũng chính là một mắt xích giúp công trình được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hạn chế tối đa những rủi ro, thiệt hại, tiết kiệm nhiều nhất chi phí cho khách hàng.

Trải qua thực tế thi công 10 năm nay, Thiên Phố gợi ý một số lưu ý về quy trình giám sát thi công xây dựng mà cả giám sát lẫn chủ nhà cũng nên nắm để kiểm tra công việc nhà thầu đang làm, xem có đúng với những yêu cầu như đã thỏa thuận từ trước không nhé.

1. Kiểm tra điều kiện khởi công

1.1. Việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm:

- Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng;

- Có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật Xây dựng 2014.

- Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt và được chủ đầu tư kiểm tra, xác nhận trên bản vẽ;

- Có hợp đồng thi công xây dựng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu được lựa chọn;

- Được bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình;

- Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

1.2. Việc khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ cần đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Bước kiểm tra đầu tiên này rất quan trọng, vì nếu không tuân theo quy định của pháp luật thì việc xây dựng rất có thể sẽ bị phạt hành chính, đình chỉ hoặc buộc ngưng thi công, tốn thêm nhiều thời gian và chi phí cho chủ nhà. Là một đơn vị thầu xây dựng mà không làm được điều này thì chắc chắn danh tiếng của đơn vị đó cũng ảnh hưởng ít nhiều. Do đó, khi bạn đảm nhận vai trò thay công ty mình giám sát, giải quyết công việc thì phải nắm thật chắc kiến thức chuyên ngành, pháp lý để không xảy ra sai sót nào.

2. Kiểm tra các yêu cầu đối với công trường xây dựng

Yếu tố an toàn trong thi công là quan trọng nhất. Để thuận tiện cho công tác kiểm tra, theo dõi và đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho các công trình lân cận… thì công trường xây dựng phải có đầy đủ thông tin sơ bộ về công trình, có rào ngăn, trạm gác, biển báo… theo quy định tại Điều 109 Luật Xây dựng 2014. Đây cũng chính là một trong những lưu ý quan trọng trong quy trình giám sát thi công.

2.1. Chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng. Nội dung biển báo gồm:

- Tên, quy mô công trình;

- Ngày khởi công, ngày hoàn thành;

- Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng;

- Bản vẽ phối cảnh công trình.

2.2. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý. Nội dung quản lý công trường xây dựng bao gồm:

- Xung quanh khu vực công trường xây dựng phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bảo đảm ngăn cách giữa phạm vi công trường với bên ngoài;

- Việc bố trí công trường trong phạm vi thi công của công trình phải phù hợp với bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng thi công được duyệt và điều kiện cụ thể của địa điểm xây dựng;

- Vật tư, vật liệu, thiết bị chờ lắp đặt phải được sắp xếp gọn gàng theo thiết kế tổng mặt bằng thi công;

- Trong phạm vi công trường xây dựng phải có các biển báo chỉ dẫn về sơ đồ tổng mặt bằng công trình, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và các biển báo cần thiết khác.

2.3. Nhà thầu thi công xây dựng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra vào công trường, tập kết và xử lý chất thải xây dựng phù hợp, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh khu vực công trường xây dựng.”

3. Kiểm tra chất lượng vật tư

Trước khi đưa vào thi công xây dựng, vật tư phải được kiểm tra cẩn thận để đảm bảo chất lượng công trình. Nếu phát hiện có bất kỳ khiếm khuyết, lỗi nào hoặc nghi ngờ về chất lượng của vật tư tại công trình, phải tiến hành kiểm tra trực tiếp hoặc thay mới hoàn toàn, để công trình sau này vừa thẩm mỹ nhưng cũng phải an toàn tối đa.

4. Giám sát quá trình thi công

Giám sát quy trình thi công phần thô có rất nhiều công đoạn và yêu cầu sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của giám sát tại công trường.

4.1. Công trình xây dựng phải được giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công. Nhà nước khuyến khích việc giám sát thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ.

4.2. Việc giám sát thi công xây dựng công trình phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Thực hiện trong suốt quá trình thi công từ khi khởi công xây dựng, trong thời gian thực hiện cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu công việc, công trình xây dựng;

- Giám sát thi công công trình đúng thiết kế xây dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và hợp đồng thi công xây dựng;

- Trung thực, khách quan, không vụ lợi.

4.3. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng được lựa chọn phải có đề xuất về giải pháp giám sát và quy trình kiểm soát chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, quy trình kiểm tra và nghiệm thu, biện pháp quản lý hồ sơ tài liệu trong quá trình giám sát và nội dung cần thiết khác.”

– Tất cả công đoạn được diễn ra theo quy trình giám sát thi công xây dựng phải được cập nhật đầy đủ vào Nhật ký thi công, Biên bản theo quy định.

– Xác nhận bản vẽ hoàn công và tổ chức nghiệm thu công trình, kiểm tra xem chất lượng thi công có thực sự đạt yêu cầu hay không. Nếu phát hiện có sai sót, khiếm khuyết dù chỉ là một hạng mục nhỏ cũng phải báo cáo lên cấp trên để nhanh chóng xử lý, hạn chế những rủi ro hay phát sinh chi phí không đáng có.

Trên đây là một số lưu ý đối với quy trình giám sát thi công mà chúng tôi đã tích hợp được trong quá trình thi công thực tế của mình. Mong rằng các bạn sẽ có thêm nhiều hơn những kinh nghiệm để kiểm tra cách làm việc của nhà thầu hoặc thực hiện công việc của mình trong vai trò của một giám sát tốt hơn.

www.thienpho.com

Các bài khác